Skip to main content

Một bài viết về sự tự tin

Dạo này trong đầu cứ chạy loanh quanh mấy ý tưởng cần viết ra. Nhưng chần chừ mãi, ngày giờ thì trôi, còn blog cứ vẫn là không có gì cập nhật. Lời hỏi thăm của các bạn, chắc các bạn không thể tưởng tượng được là nó đã trở thành động lực cho người viết to lớn và "nhiều bự" đến cỡ nào đâu. Thế nên là, nếu có đọc qua bài viết bất kì nào đấy, mà vô tình tìm thấy sự đồng cảm, hãy cho mình biết nhé. Quay trở lại chủ đề chính: đây sẽ là một bài viết về sự tự tin - triển khai theo yêu cầu của một cô bạn chẳng mấy khi trò chuyện, phải dịp hỏi han nhau. Mình trả lời bạn luôn, rằng: thực sự bản thân mình còn chưa tự tin lắm đâu, nên mình chẳng biết viết thế nào hết. Bỗng dưng hôm nay dợn nghĩ, chưa tự tin thì phải rèn luyện tự tin, viết ra đây cũng là một cách tự nhìn nhận lại: mình đã rèn luyện đến đâu rồi.

SO VỚI THỜI ĐIỂM MỚI VÀO ĐẠI HỌC, đặc biệt là so với phiên bản cách đây vài tháng trước, mình của hiện tại đã tự tin hơn rất nhiều. Bí quyết có lẽ là, bạn phải thực sự hiểu rõ bản thân: Tố chất, xu hướng hành xử (thích - ít thích - không thích cái gì), năng lực (làm tốt - ít tốt - không muốn làm cái gì) và mục tiêu hướng tới trong một năm, hai năm và năm năm tới. 

Về nguyên lý, không khó để hiểu là mỗi con người chúng ta đều có cho mình một giá trị riêng như thiên nhiên vốn vô vàn hoa lá, mỗi loài mỗi loại có sắc vóc và sứ mệnh tồn tại không hề giống nhau. Và bằng một cách nào đó, sẽ đóng góp nét khác biệt ấy để hoàn thiện hơn cuộc sống này. Không có người tuyệt đẹp hoàn hảo. Thế nên là, vấn đề quyết định sự thành công trong cuộc sống nằm ở chỗ: người ta hiểu mình và chấp nhận mình tới đâu.

Hiểu và chấp nhận mình tới đâu? 

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, trở thành con ngoan trò giỏi nghiễm nhiên được công nhận là thành tựu bước đầu của thiếu niên nhi đồng. Nhưng đằng sau danh hiệu và thành tích, các bạn có thực sự hài lòng và hạnh phúc với chính mình?

Đa số câu trả lời là: Không!

Dù cải cách hết lần này đến lần khác, ấy vậy mà, nền giáo dục mang đậm tính công nghiệp, không tôn trọng cá tình này, dường như chỉ đào tạo ra những lứa học sinh, lứa cử nhân giống nhau - thỏa mãn một chừng mực nào đó thứ gọi là quan niệm xã hội. Theo thời gian, sự dị biệt bị đào thải. Các thế hệ thanh niên lỡ quá quen với những thứ chung chung, cách sống chung chung, lối nghĩ chung chung. Hệ quả là, họ không hiểu nổi mình là ai, khả năng và mong muốn của mình thực sự là gì?

Lấy ví dụ là các bạn của người viết cho gần gũi. May mắn, mình được học tập và phát triển trong một môi trường có kha khá danh (tai) tiếng. Ở đây, tiền bối, đồng môn hay thậm chí là hậu bối của mình đều là những người hết sức giỏi giang. Họ hiếu thắng và thích thể hiện. Họ tài năng và nỗ lực hết mình. Những thành phần dù nổi trội đến mấy, mãi sau này lắng nghe những câu chuyện của họ, mới hiểu ra là ai trong số họ cũng đã từng vật lộn với câu hỏi về bản ngã cá nhân không nhiều thì ít. Giai đoạn đỉnh điểm nhất của quá trình tự công phá, hầu hết rơi vào khoảng thời gian giữa năm ba và năm cuối đại học. Bởi lẽ, có thể nói đây là giờ G đối với công cuộc chuyển đổi từ kén con sang lột xác vào đời. Lỗi ở giáo dục, nhưng để chứng minh và cảm nhận tận cùng hậu quả của những lối lầm ấy, tùy người mà mất ít nhiều thời gian. Có người dành nguyên một đời để loay hoay trong những dấu chấm hỏi, kiệt quệ năng lượng trong những dấu chấm lửng tự mình đặt ra.

nguồn: internet

Để hiểu, ta phải làm sao? 

Đó có lẽ là một trong những lí do mà nhiều bạn sinh viên chọn cách đi thực tập, đi làm sớm, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một khi cọ xát với thực tế, bạn mới nhanh chóng hiểu ra, mình hợp với công việc gì, để đưa ra quyết định sống chung với nó cho hết 2/3 phần đời sau này. Người nhạy bén và thông minh, thì khoảng thời gian thử nghiệm này sẽ ngắn hơn, không có đáp án tuyệt đối cho bất kì ai. Đa phần, các anh chị phải trải qua vài công việc, ở vài vị trí trong một vài công ty nhất định, mới nhận ra đâu là định hướng đúng đắn nhất cho chính mình.

Mình đến với công việc hiện tại với một cơ duyên hết sức ngẫu nhiên. Công việc này giúp mình hiểu mình, và vừa vặn luôn với những định hướng mà mình mong đợi trong thời gian hai năm tới. Thiệt hết sức biết ơn. Chị sếp là người trẻ, có nền tảng học thuật, có sự mạch lạc trong tư tưởng, và chịu lắng nghe. Ở giai đoạn hiện tại, mình có đủ trải nghiệm cá nhân, đủ không gian để có thể mạnh dạn đưa ra ý kiến, tạo nên những thành quả riêng (bên cạnh đầy rẫy những sai lầm, những thiếu trước hụt sau chưa thể cải thiện, trong một vài vấn đề 😉).

Hiểu rồi thì phải chấp nhận mình như thế nào?

"Kim vô túc xích, Nhân vô thập toàn", không có sự hoàn hảo nào tồn tại trên đời. Mình từng có quá khứ một mực tin tưởng rằng, bản thân có thể thành công với tất cả các công việc - chỉ cần cố gắng. Những chuyện người khác làm được, mình nhất định sẽ làm được. Vì cố chấp nên vô tình mình quên đi thực tế: có những chuyện người ta làm giỏi vì người ta thích, mình có thích hay không, rồi mình có thể làm giỏi chuyện mà mình không thích không? 

Tính cách của chúng ta là bức tranh tổng hòa giữa mảng sáng, mảng tốt - điểm mạnh, điểm yếu. Vũ trụ này hoạt động theo quy tắc của nó. Một trong những quy tắc ấy, có lẽ là sức mạnh của vẻ đẹp đến từ sự không hoàn hảo - wabi sabi. Việc tồn tại những khiếm khuyết là một chuyện dễ hiểu. Chỉ có dám nhìn nhận, dám sửa đổi, chúng ta mới trở nên tốt hơn mỗi ngày. "Đặt cái tôi xuống, gánh cả thế giới trên vai" - Nguyên Thiên Ngân.

Học cách chấp nhận những người xung quanh...

Trước đây, khi chưa đi nhiều nơi, tiếp xúc với đủ nhiều người, mình cứ đóng khung suy nghĩ rằng: ai cũng sẽ phải cư xử giống mình, trường hợp họ không như thế, mình sẽ thất vọng và tức giận. Sau này vấp váp một tí, xích mích một tí, mới nhận ra, biết bao là nhóm tính cách ngoài kia, mỗi kiểu sẽ cần một cách đối đãi và quản trị riêng. Để có thể dung hòa các mối quan hệ, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, cần lắm sự hiểu nhau: hiểu mình - hiểu ta.

Bí kíp trong tầm tay 

  • Va chạm thực tế đi, just do it! Bạn sẽ nhận ra mình thích, không thích gì, mình mạnh gì, yếu gì...
  • Ghi chép nó lại mỗi ngày, những phát hiện vĩ đại về bản thân...
  • Nhân một ngày có thể đẹp trời, có thể không, nhìn lại những ghi chép, và tận dụng sức mạnh tư duy để vẽ ra chân dung của mình...
  • Quan sát, điều chỉnh chân dung đó cho trùng khớp với thực tế bạn hơn.

Thử đi, một ngày nào đó, tất cả những điểm nhỏ li ti ấy sẽ lấp đầy một bức tranh kì vĩ.


Comments

Popular posts from this blog

Nghỉ xả hơi

Khả năng tập trung của não bộ khi xử lý công việc hay tiếp thu bài học là có giới hạn. Trong The Essential 20: Twenty Components of an Excellent Health Care Team chỉ ra rằng, khoảng chú ý trung bình của con người là khoảng năm phút. Thông thường, người ta không thể duy trì sự chú ý vào một thứ quá hai mươi phút mỗi lần. Tuy nhiên, sau khi đánh mất sự tập trung vào một chủ đề, một người có thể khôi phục nó bằng cách nghỉ ngơi, thực hiện một loại hoạt động khác, thay đổi tiêu điểm suy nghĩ hoặc chủ động chọn tái chú ý vào chủ đề ban đầu. Vâng, đấy là lí do tại sao mình ghét cay ghét đắng những tiết học không có giờ giải lao. Bốn mươi lăm phút hay một giờ đồng hồ theo dõi bài học, hay tập trung giải quyết vấn đề một cách liên tục sẽ khiến các nơ-ron thần kinh của mình biểu tình inh ỏi. Mình bắt đầu thay đổi tư thế và từ chối việc tiếp thu thêm những thông tin từ bên ngoài, và đương nhiên, mình ngấy kiến thức và cảm thấy mệt mỏi cực kì. Ấy mới thấy tầm quan trọng của việc nghỉ xả hơi, nhỉ

thứ gì đó tích cực được đơm lên

Rời công ty lúc ánh sáng của ngày vẫn còn tươi, tự hỏi có ranh giới nào giữa ngày và đêm không, khi mà đèn điện đã giăng mắc khắp phố phường dù trời chưa kịp tối. Bầu trời tháng sáu cao và phân tầng dễ chịu, hay là do tâm trạng mình nhẹ nhõm cũng không chừng? Đi trong lòng những cơn gió đang cuồn cuộn mớ hơi nước mọng căng, rõ mồn một thức cảm thái mát từ da mát vô tới dạ, sảng khoái tinh thần. Phóng xa tầm nhìn sang phía bên kia cầu Calmette, vòi rồng đang đổ một dòng xám xịt xuống quận 10, hoặc khu nào quẩn quanh đó thôi. Mình chợt ước, con người ta cũng có thể xả lòng mình ra như cách vòi rồng tuôn mưa xuống, khi mà hơi nước đã đủ nặng rồi. Làm công việc liên quan nhiều đến sức khỏe tâm hồn, mình vẫn luôn cố gắng truyền tải tới khách hàng rằng, vấn đề không nằm ở việc người này có thể chịu căng thẳng tới đâu, mà là ở chỗ họ đối mặt với những căng thẳng ấy và giải quyết chúng bằng cách nào. Chúng ta không thể cầu mong cho cuộc sống mình toàn những điều tốt đẹp. Vốn dĩ không có sự tồ

Nên hay không, việc tin vào may mắn trên đời?

Mỗi tối bước chân về tới nhà, mình thầm biết ơn vì an toàn hạ cánh. Mỗi sáng nghe chuông báo thức, bật dậy, một tay cầm quyển sách, tay kia với kéo màn. Bầu không khí ướt mớ sương đêm, chưa kịp được nắng hong, phả nhẹ vào mặt. Thích thú. Thế là còn có cơ hội để say đắm cuộc đời. Có thể say đắm đó là chút khổ đau để khi vượt qua, mình mới nhận ra niềm hạnh phúc đích thực, càng mong hơn say đắm đó là những yêu thương ở quanh, là niềm vui nhỏ bé ngày thường tưởng chừng như đương nhiên mà thực ra lại vô giá. Bước chân ra đường bắt đầu một ngày mới, là bao nhiêu rủi ro đâu đó giăng mắc đầy. Một cú rơi thang máy, một vụ va quẹt giao thông...chẳng hạn. Cuộc đời vốn dĩ là cuốn phim kì bí mà tốc độ cảm nhận tình tiết bộ phim phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của người xem. Mình cũng vậy, sống nhanh hay sống chậm là lựa chọn của mỗi người. Thế nên là, những thay đổi bạn muốn làm để hướng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, làm nó ngay đi. Bạn không thể làm chủ cuộc sống nhiều hơn những gì mà t