Skip to main content

Nghỉ xả hơi

Khả năng tập trung của não bộ khi xử lý công việc hay tiếp thu bài học là có giới hạn. Trong The Essential 20: Twenty Components of an Excellent Health Care Team chỉ ra rằng, khoảng chú ý trung bình của con người là khoảng năm phút. Thông thường, người ta không thể duy trì sự chú ý vào một thứ quá hai mươi phút mỗi lần. Tuy nhiên, sau khi đánh mất sự tập trung vào một chủ đề, một người có thể khôi phục nó bằng cách nghỉ ngơi, thực hiện một loại hoạt động khác, thay đổi tiêu điểm suy nghĩ hoặc chủ động chọn tái chú ý vào chủ đề ban đầu. Vâng, đấy là lí do tại sao mình ghét cay ghét đắng những tiết học không có giờ giải lao. Bốn mươi lăm phút hay một giờ đồng hồ theo dõi bài học, hay tập trung giải quyết vấn đề một cách liên tục sẽ khiến các nơ-ron thần kinh của mình biểu tình inh ỏi. Mình bắt đầu thay đổi tư thế và từ chối việc tiếp thu thêm những thông tin từ bên ngoài, và đương nhiên, mình ngấy kiến thức và cảm thấy mệt mỏi cực kì. Ấy mới thấy tầm quan trọng của việc nghỉ xả hơi, nhỉ bạn ơi.

Không chỉ việc học, việc làm mới cần nghỉ xả hơi, chuyện tình cảm giữa người với người cũng cần những không gian riêng, ngắt kết nối để tìm lại cân bằng.

Lâu nay không liên lạc với bạn, mãi hôm qua ngồi dò lại tài khoản, phát hiện các bạn chia tay rồi. Cô gái ấy là bạn chung của mình và nó. Chúng mình vốn là bạn cùng khóa của nhau. Lúc mới vào học mình thân với cô, nhưng về sau tách nhóm, tình thân đó không còn chỗ để đắp triển. Đến những niên cuối khóa, mình lại thân với thằng bạn này. Chẳng bao lâu nghe tin hai đứa yêu nhau, mừng cho đôi trẻ. Thế mà giờ tài khoản của cô gom lại số người theo dõi chưa đầy nửa trăm, và đương nhiên, cô loại mình ra khỏi vòng tròn ấy. Thằng bạn mình cũng cùng số phận. Yêu đương mệt rồi, cũng cần nghỉ xả hơi?

Ở một câu chuyện khác, chị ôm con nhỏ bỏ đi không để lại lời nào. Cả gia đình anh điêu đứng, kiểu gì cũng được cớ sao lại phải khiến mọi chuyện trở nên khó hiểu như thế này. Chia tay không đáng sợ, đáng sợ là một người ra đi nhưng người còn lại không hề biết lí do của sự ra đi ấy. Hôn nhân đường dài, cũng cần nghỉ xả hơi?

Các mối quan hệ khác ngoài tình yêu nam nữ, lên xuống chia xa vốn là chuyện rất đỗi bình thường. Bởi lẽ, con người nhìn chung đều phát triển theo xu hướng "thiên vị bản thân". Dẫu có cần thế giới chung quanh để cộng sinh nhiều đến chừng nào đi nữa, lấy mình làm tâm dường như là một nguyên lý sống còn. Chữ tôi đôi khi không thể đi cùng chữ ta trên một vài đoạn đường của quá trình sống. Mâu thuẫn xảy ra giữa bản thân và người khác là điều hoàn toàn lý giải được. Ông bà ta ngày xưa cũng có câu: "không ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng" kia mà. Mấy lúc không nắm tay nhau được nữa, chi bằng buông ra một lúc nghỉ xả hơi, cho máu huyết lưu thông chút xíu. Tách mình ra trong mối tương quan với người khác, cho kịp nhìn nhận lại được - mất, trước - sau.

Suy nghĩ như vậy để giải thích cho thái độ có phần bàng quan của mình trước các cuộc cãi vã, đôi lứa đổ vỡ, chia tay hay thậm chí là việc bỏ nhà ra đi của chị gái nọ. Mình nghĩ, mỗi người có một khung trời riêng, mà đôi khi để chung sống với những người khác, họ phải hạn chế việc tận hưởng khung trời của chính mình. Vậy nên, với tư tưởng "cần lắm những lần nghỉ xả hơi, để tịnh tâm và đọc lại chính bản thân", mình dường như xem nhẹ những cuộc chia ly, mình tin rằng đằng sau thời gian nhìn nhận ấy, nếu cảm thấy cần nhau - quay về là điều gần như chắc chắn. Có điều, cách chia tay như thế nào cho văn mình lịch sự thì không phải người nào cũng biết...


Comments

Popular posts from this blog

thứ gì đó tích cực được đơm lên

Rời công ty lúc ánh sáng của ngày vẫn còn tươi, tự hỏi có ranh giới nào giữa ngày và đêm không, khi mà đèn điện đã giăng mắc khắp phố phường dù trời chưa kịp tối. Bầu trời tháng sáu cao và phân tầng dễ chịu, hay là do tâm trạng mình nhẹ nhõm cũng không chừng? Đi trong lòng những cơn gió đang cuồn cuộn mớ hơi nước mọng căng, rõ mồn một thức cảm thái mát từ da mát vô tới dạ, sảng khoái tinh thần. Phóng xa tầm nhìn sang phía bên kia cầu Calmette, vòi rồng đang đổ một dòng xám xịt xuống quận 10, hoặc khu nào quẩn quanh đó thôi. Mình chợt ước, con người ta cũng có thể xả lòng mình ra như cách vòi rồng tuôn mưa xuống, khi mà hơi nước đã đủ nặng rồi. Làm công việc liên quan nhiều đến sức khỏe tâm hồn, mình vẫn luôn cố gắng truyền tải tới khách hàng rằng, vấn đề không nằm ở việc người này có thể chịu căng thẳng tới đâu, mà là ở chỗ họ đối mặt với những căng thẳng ấy và giải quyết chúng bằng cách nào. Chúng ta không thể cầu mong cho cuộc sống mình toàn những điều tốt đẹp. Vốn dĩ không có sự tồ

Nên hay không, việc tin vào may mắn trên đời?

Mỗi tối bước chân về tới nhà, mình thầm biết ơn vì an toàn hạ cánh. Mỗi sáng nghe chuông báo thức, bật dậy, một tay cầm quyển sách, tay kia với kéo màn. Bầu không khí ướt mớ sương đêm, chưa kịp được nắng hong, phả nhẹ vào mặt. Thích thú. Thế là còn có cơ hội để say đắm cuộc đời. Có thể say đắm đó là chút khổ đau để khi vượt qua, mình mới nhận ra niềm hạnh phúc đích thực, càng mong hơn say đắm đó là những yêu thương ở quanh, là niềm vui nhỏ bé ngày thường tưởng chừng như đương nhiên mà thực ra lại vô giá. Bước chân ra đường bắt đầu một ngày mới, là bao nhiêu rủi ro đâu đó giăng mắc đầy. Một cú rơi thang máy, một vụ va quẹt giao thông...chẳng hạn. Cuộc đời vốn dĩ là cuốn phim kì bí mà tốc độ cảm nhận tình tiết bộ phim phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của người xem. Mình cũng vậy, sống nhanh hay sống chậm là lựa chọn của mỗi người. Thế nên là, những thay đổi bạn muốn làm để hướng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, làm nó ngay đi. Bạn không thể làm chủ cuộc sống nhiều hơn những gì mà t