Skip to main content

Làm trái ngành thì có gì ghê gớm?

Bài đăng này có lẽ nên được xuất bản từ một năm trước.

Tầm này năm ngoái, mình vừa mới đi làm. Cùng thời điểm ấy, trong buổi tiệc gia đình nọ, có thím kia bắt chuyện, hỏi: con ra trường rồi đúng không, đang làm gì, đúng ngành không? Mình mất một giây ngẩn tò te, sau đấy trả lời dứt khoát: dạ đúng. Thím ấy buột miệng: thế thì tốt rồi

Phải nói là lúc đó, đầu mình nảy biết bao nhiêu là số, còn tâm tư thì rối như ruột tằm. Vì mình vừa… nói dối. Mình hiểu rõ, tồn tại trong tư duy của người thế hệ trước là những định kiến khó lòng giải thích một hai câu đã có thể thông suốt. Việc phân bua lại dễ gây hiểu lầm, nên mình chọn nói sai sự thật. 

Hôm qua có mấy em nhỏ đọc blog của mình và nhắn: em đang hoang mang khi biết thông tin rằng, sinh viên học ngành X của trường F sau này thường đi làm trái ngành. Chắc hẳn em lo sợ mình sẽ lãng phí thời gian, nếu như kịch bản tương tự xảy ra với em sau này. Đồng cảm sâu sắc với sự hoang mang của em, mình bèn ngồi gõ lọc cọc những dòng này, hy vọng là giúp em nhìn ra những điều mà em cần.


mình không hiểu bản thân, mình vật vã.
mình đọc, và mình chết đi sống lại

mình tốt nghiệp

làm trái ngành, nhưng mỗi ngày đi làm đối với mình là một ngày vui 💕💕

Mình tự phân loại các bạn sinh viên không theo đuổi đúng đam mê (từ khi đam mê ấy còn là một chuyên ngành trong trường đại học) thành hai nhóm sau:
  • Thứ nhất là nhóm các bạn không thể theo đuổi ngành các bạn thích, vì một (vài) lí do gì đó dù trong thâm tâm, các bạn vốn sớm nhận thức được “con người mà mình muốn trở thành”.
  • Thứ hai, các bạn hoàn toàn mơ hồ về tương lai. Việc chọn ngành học không xuất phát từ con tim và định hướng riêng của bản thân các bạn.
Bài viết này dành cho nhóm số hai. Bởi mình luôn tin rằng máu sẽ chảy về tim, nhóm thứ nhất rồi sẽ quay trở về với đam mê của họ - một khi họ giải quyết được lí do khiến họ rời xa chúng. Đối với nhóm thứ hai, xuất phát điểm của bạn vốn mông lung, bạn chọn ngành không vì bản thân thực sự yêu thích. Vậy khi đi làm, công việc đúng hay trái với ngành đó không, liệu có thực sự là vấn đề? Bởi lẽ, để gắn bó và phát triển lâu dài với một công việc, điều tiên quyết chính là tình yêu, là sự đam mê bạn dành cho nó. Công việc nào cũng có khó khăn nhất định, chỉ khi bạn đủ mê đủ yêu, mới có thể vượt qua những khó khăn thử thách ấy. Chân thành nhìn nhận, làm trái ngành đâu có gì ghê gớm!


Hoang mang nhiều, nhưng đối với các bạn mà nói - đây là những khoảng hoang mang cần thiết: An unquestioned mind is the world of suffering. Hãy luôn tự vấn và bền bỉ tìm cho mình câu trả lời. Nếu còn chưa đủ trải nghiệm để biết mình thực sự muốn trở thành ai, hay thực sự yêu thích điều gì. Vậy chần chờ gì nữa mà không tạo thêm cho mình những trải nghiệm. Có trải nghiệm mới có nhận ra. Thả lỏng tư tưởng mình, như đã nói ở trên: làm trái ngành không có gì ghê gớm cả. Cứ học đi, và tận hưởng sự học của mình. Bốn năm đại học thoáng cái sẽ vụt qua. Dưới đây là một vài gợi ý cho những gì các bạn cần làm:
  •  Lên kế hoạch, chia quỹ thời gian của mình ra: học tập – ngoại khóa – làm thêm/ đi thực tập. Chia tỉ trọng cho từng mục này. Viết xuống giấy.
  •  Đặt mục tiêu cho từng khoản mục và lấp đầy chúng.
  • Theo dõi kế hoạch, review và điều chỉnh mục tiêu (khoảng cách giữa kì vọng và thực tế vốn là hố sâu).
  • Tận hưởng quá trình. Tạo cho mình nhật kí hành trình thành công, tự trân trọng những gì đang có.
  • Đọc sách.
Hãy nhớ rằng, ngành học không là khuôn chuẩn mà bạn phải răm rắp uốn nắn mình sao cho vừa khớp, quan trọng là hiểu được trái tim bạn kìa.  Mong em nhỏ sẽ sớm thành công.




Comments