Skip to main content

Chút xíu tự bạch về việc viết lách

Hôm rồi theo dõi blog của Simply Nguyen, cách cô bạn ghi chép lại hành trình trải nghiệm những ngày này, làm con tim mình như bắt gặp người bạn thân xa cũ. Có lẽ mình là người thích xê dịch, thích đi để chiêm nghiệm những câu chuyện mắt thấy, tai nghe; còn tim cảm nhận. Cuộc sống những lúc đấy mới thật là sống động làm sao. Đương nhiên, mình mừng cho cô bạn này, vì chính cổ đã đấu tranh nhiều để có thể bước trọn hai chân vào con đường mà cổ mong muốn. Cổ từng nói mình truyền cảm hứng cho cổ, và bây giờ cổ đang làm điều tương tự cho mình. 

Mình thích thú những con chữ, thế nhưng Simply Nguyen chưa có nhiều bài viết, nên là mình trở lại đọc blog "của riêng". Và các bạn biết không, mình cảm thấy việc ghi chép thật tuyệt vời, một lần nữa. Để viết chuyên nghiệp hay sáng tác sẽ đòi hỏi rất nhiều yếu tố; và hẳn đây là một công việc không hề dễ dàng. Trong khi đó, ghi chép tản mạn có lẽ nhẹ nhàng hơn nhiều song lại có tác dụng tích cực đến con người mình-và-ta. Vậy khi không xử đẹp được bó đũa, tại sao không thử xử lần lượt từng chiếc riêng lẻ một: ghi chép mỗi ngày, bất kể câu chuyện đó là gì. Thay vì đổi mục tiêu, mình điều chỉnh phương pháp. Khi viết, bạn buộc phải vận hành đồng thời tất cả các giác quan, để thế giới bên ngoài tập trung vào các giác quan đó mà thâm nhập vào cảm nhận của bạn, rồi xuất ra ngôn từ. Nội tâm cứ thế được diễn giải. Nhờ vậy, tự hiểu mình, hên sao lại giúp được người khác hiểu thêm về họ hoặc ai đó nữa.

Hổm giờ có đọc một quyển sách liên quan đến nghề nghiệp, tác giả biểu là cái gì không dùng, ắt hẳn sẽ bị mất: "Có một sự thật kỳ diệu về các kỹ năng và kiến thức: Chúng không hao mòn vì sử dụng, mà ngược lại, hiểu biết sẽ trở nên sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa hơn khi được sử dụng thường xuyên; các kỹ năng sẽ trở nên mạnh mẽ và cứng cỏi khi được áp dụng liên tục." Tầm này tháng trước, có một kẻ mơ màng mỗi ngày trên con xe, ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ dọc đường về nhà để thực hiện thử thách 365 ngày viết. Dạo đó công việc nhiều, không có thời gian cho bản thân mà còn lại tạo thêm nhiệm vụ, thấy mình bào mình ghê gớm. Thế rồi chẳng bảo chẳng rằng ngưng một thời gian, phần nữa vì thấy văn chương phản ánh đời thường, đương độ nhạy cảm và hoang mang thì lấy đâu ra một sự vững vàng mà chia sẻ với các bạn các em.

Mới hôm qua, người chị gái (dăm ba lúc cũng) thân thương nhảy lên như bắt được vàng: thời gian này là cơ hội để mày viết sách đó, nghỉ ngơi và thực hiện kế hoạch dở dang mà liên tục làm hoang mang cộng động mạng của mày đi. Ừ nhỉ, tại sao không? Đang trong giai đoạn nạp input bằng các bé sách được tặng dịp sinh nhật, sau đó, nhất định sẽ hệ thống lại ý tưởng và viết bản thảo. Sẽ sớm làm được thôi.

nhà đạo đức học luôn thể hiện sự chất vấn bản thân nhưng sống thì hơi xa rời lý thuyết, luôn hò voi bắn súng sậy, huhu

Comments

Popular posts from this blog

Nghỉ xả hơi

Khả năng tập trung của não bộ khi xử lý công việc hay tiếp thu bài học là có giới hạn. Trong The Essential 20: Twenty Components of an Excellent Health Care Team chỉ ra rằng, khoảng chú ý trung bình của con người là khoảng năm phút. Thông thường, người ta không thể duy trì sự chú ý vào một thứ quá hai mươi phút mỗi lần. Tuy nhiên, sau khi đánh mất sự tập trung vào một chủ đề, một người có thể khôi phục nó bằng cách nghỉ ngơi, thực hiện một loại hoạt động khác, thay đổi tiêu điểm suy nghĩ hoặc chủ động chọn tái chú ý vào chủ đề ban đầu. Vâng, đấy là lí do tại sao mình ghét cay ghét đắng những tiết học không có giờ giải lao. Bốn mươi lăm phút hay một giờ đồng hồ theo dõi bài học, hay tập trung giải quyết vấn đề một cách liên tục sẽ khiến các nơ-ron thần kinh của mình biểu tình inh ỏi. Mình bắt đầu thay đổi tư thế và từ chối việc tiếp thu thêm những thông tin từ bên ngoài, và đương nhiên, mình ngấy kiến thức và cảm thấy mệt mỏi cực kì. Ấy mới thấy tầm quan trọng của việc nghỉ xả hơi, nhỉ

thứ gì đó tích cực được đơm lên

Rời công ty lúc ánh sáng của ngày vẫn còn tươi, tự hỏi có ranh giới nào giữa ngày và đêm không, khi mà đèn điện đã giăng mắc khắp phố phường dù trời chưa kịp tối. Bầu trời tháng sáu cao và phân tầng dễ chịu, hay là do tâm trạng mình nhẹ nhõm cũng không chừng? Đi trong lòng những cơn gió đang cuồn cuộn mớ hơi nước mọng căng, rõ mồn một thức cảm thái mát từ da mát vô tới dạ, sảng khoái tinh thần. Phóng xa tầm nhìn sang phía bên kia cầu Calmette, vòi rồng đang đổ một dòng xám xịt xuống quận 10, hoặc khu nào quẩn quanh đó thôi. Mình chợt ước, con người ta cũng có thể xả lòng mình ra như cách vòi rồng tuôn mưa xuống, khi mà hơi nước đã đủ nặng rồi. Làm công việc liên quan nhiều đến sức khỏe tâm hồn, mình vẫn luôn cố gắng truyền tải tới khách hàng rằng, vấn đề không nằm ở việc người này có thể chịu căng thẳng tới đâu, mà là ở chỗ họ đối mặt với những căng thẳng ấy và giải quyết chúng bằng cách nào. Chúng ta không thể cầu mong cho cuộc sống mình toàn những điều tốt đẹp. Vốn dĩ không có sự tồ

Nên hay không, việc tin vào may mắn trên đời?

Mỗi tối bước chân về tới nhà, mình thầm biết ơn vì an toàn hạ cánh. Mỗi sáng nghe chuông báo thức, bật dậy, một tay cầm quyển sách, tay kia với kéo màn. Bầu không khí ướt mớ sương đêm, chưa kịp được nắng hong, phả nhẹ vào mặt. Thích thú. Thế là còn có cơ hội để say đắm cuộc đời. Có thể say đắm đó là chút khổ đau để khi vượt qua, mình mới nhận ra niềm hạnh phúc đích thực, càng mong hơn say đắm đó là những yêu thương ở quanh, là niềm vui nhỏ bé ngày thường tưởng chừng như đương nhiên mà thực ra lại vô giá. Bước chân ra đường bắt đầu một ngày mới, là bao nhiêu rủi ro đâu đó giăng mắc đầy. Một cú rơi thang máy, một vụ va quẹt giao thông...chẳng hạn. Cuộc đời vốn dĩ là cuốn phim kì bí mà tốc độ cảm nhận tình tiết bộ phim phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của người xem. Mình cũng vậy, sống nhanh hay sống chậm là lựa chọn của mỗi người. Thế nên là, những thay đổi bạn muốn làm để hướng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, làm nó ngay đi. Bạn không thể làm chủ cuộc sống nhiều hơn những gì mà t