Skip to main content

Tròn xoay kể: ALBUM NHỎ - KÍ ỨC TO

Tôi chôm vài bức hình cưới của ba mẹ để lồng vào cuốn album nhỏ. Trong một lần ghé nhà sách trên đường đến trường làm thủ tục nhập học, tôi đã mua. Quyển album lò xo, bìa màu cam, cỡ 10x15cm, cầm nó mà bụng mừng rơn thích thú, tự dặn dò: -sẽ làm đầy đặn bằng những kí ức thật riêng mình.

Bài trí album cũng có dụng ý.

Trang đầu tiên, theo tín ngưỡng và quan niệm cá nhân “với mọi sự khởi đầu, luôn tin vào sự chúc lành”, tôi để hình Đức Mẹ Maria ở trung tâm hành hương Tàpao – chỗ này cách nhà tôi chừng ba mươi phút đi xe máy. Mỗi lần đi học xa về, hay có chuyện gì trọng đại, tôi đều cùng mẹ lên đây cầu nguyện.

Tiếp theo là hai tấm hình chụp ba mẹ trong ngày cưới. Mẹ mang áo dài trắng, đầu đội lúp voan cô dâu đính hoa lan xanh, tóc quấn lọn, đen và thả lưng chừng vai. Mẹ ngày xưa rất xinh, kiểu chân mày tỉa cong và mảnh, môi đỏ, mặt xương, càng ngắm càng ra nét Ấn lai. Còn ba thời năm 90 tóc để dài như nam nhân Nhật Bản, vẫn cao và đen, nhưng gầy hơn bây giờ nhiều lắm.

Lần lần về sau, tôi sắp ảnh mình theo dòng thời gian, từ khi bé tí được mẹ đặt ngồi trên bàn chụp ảnh, mắt đã ra chiều lim dim suy nghĩ, không có lấy một nụ cười làm duyên. Qua vài tấm nữa vẫn thế, có khi cầm quyển sách tập tô, khi cầm ô hay cầm micro phát biểu, mặt tôi vẫn đăm chiêu một biểu cảm. Mắt và tai to choáng hết một phần khuôn mặt. Tóc Maruko mái ngang xấp xỉ chân mày, hoặc được chải gọn sang một bên. Nói chung, nhìn khôi ngô sáng sủa vô cùng, chỉ có điều không hề chúm chím hay điệu đà đáng yêu. Có lần xem lại ảnh tôi tủm tỉm cười, nói mẹ: -bây giờ con hơi hơi nhớ, hình như lúc đó con cố tình làm vậy, cho giống trí thức suy tư.

HÌNH ẢNH CÓ SỨC HỒI SINH KÍ ỨC CỰC KÌ HỮU HIỆU
Mà thật, tấm hình ba tôi cho thợ ghép vào cùng mấy tấm ảnh thời nhi đồng khác của các chị em mà ba treo ngay góc nhà, cho tôi cảm giác chân thực nhất về khả năng diễn xuất từ tấm bé của mình. Trong ảnh, hôm tổng kết năm học mẫu giáo, tôi mặc bộ đầm màu vàng, đội chiếc nón màu xanh có dây tua rua đỏ vàng như lễ phục cử nhân. Vai mang cặp con gấu vì vừa hoàn thành màn trình diễn trước toàn trường một bài múa cùng các bạn. Hai tay cẩn thận cầm micro, mắt chếch xuống lấy cảm xúc và miệng thì đang phát biểu. Tôi nhớ rõ ràng là lúc đó tôi đang cố khiến mình xúc động để bài cảm tưởng dễ đi vào lòng người hơn. Ở một giây phút thoáng qua nào đấy, hình như tôi có ứa nước mắt thật. Ở quê, trường mẫu giáo xã có nhiều phân hiệu, thường được tổ chức theo thôn, phải hãnh diện lắm mới được đại diện lớp “học sinh năm cuối” phát biểu. Hồi đi học, tôi học đến hai lớp mẫu giáo, bốn tuổi đã được gửi đi vì chắc là mẹ bận làm. Lớp học cách nhà chừng trăm mét, vậy mà biết bao lần tôi làm cô giáo điêu đứng khi khóc thét, cắn tay cô, rồi bỏ chạy về nhà không cần đến cả đôi dép. Tôi quậy banh, mẹ sợ tôi học không nên. Song thêm tí tháng, tôi lên lớp lá chính thức, ngoan và tự giác hơn, được giao làm tổ trưởng tổ hai. Tôi cùng hai đứa tổ trưởng tổ một với tổ ba chơi thân lắm, các bạn tên Vân và Bích Trâm, thỉnh thoảng vẫn hay tập trung chơi đồ hàng, giả làm công chúa, tiên cá trước cái hồ xây thiệt đẹp ở mảnh đất đối diện nhà tôi. Cô giáo chủ nhiệm năm đó là cô Thu. Cho tới giờ dù có kém nhớ cỡ nào, gương mặt cô lúc đó, tôi vẫn có thể mường tượng được, cả những bài hát và chuyện cổ tích đầu tiên đều mặn mà hình ảnh và tình thương của cô ở trỏng. Tôi không gặp cô nữa, nên bây giờ cô ra sao cũng không rõ, chỉ nghe mẹ nói lại là có gặp cô ở chợ, cô vẫn hỏi thăm bé Trâm như thế nào rồi. Thương ghê. Hôm cô gửi tờ giấy soạn sẵn nội dung phát biểu, lúc đó có biết chữ đâu, mẹ là người đọc cho tôi học thuộc. Có đêm cúp điện, mẹ đốt đèn dầu, tôi nằm lăn lóc kế bên nhẩm đi nhẩm lại. Cứ thế tôi lớn lên trong những gì êm đềm nhất, được thầy cô tín nhiệm, nhưng vẫn bị bạn bè bắt nạt, vì trẻ con có kiểu tán tỉnh rất độc-ác. Tốt nghiệp các cấp tôi đều là người phát biểu, nhưng chưa một lần nào làm cho thật tròn trịa cái cảm giác từ chân tâm.

Những bức ảnh ở thời tiểu học bắt đầu xuất hiện nụ cười nhiều hơn, rồi hầu như tấm nào cũng cười hớn hở. Lớn lên, ảnh không dừng ở những bối cảnh quen thương như nhà, trường cấp hai, cấp ba, chuyến tham quan hay bữa tiệc liên hoan gia đình. Nó bắt đầu mở rộng ra, là những cuộc vui với những người tứ xứ đổ về học tập rồi gặp rồi quen, những lần đi thăm vùng đất mới một mình không ba mẹ kèm cặp. Thậm chí là một tấm ảnh chụp cùng crush mà ngày trước từng rất trân trọng, nay lại cố tình ém nhẹm nó sau lưng một tấm ảnh khác, bỏ đi không đành…

Khép album lại, một tờ giấy ghi nhớ vàng chòe hiện ra cùng với chiếc ảnh thẻ làm hồ sơ tốt nghiệp năm mười hai. Mẩu giấy đó là lời dặn dò mẹ kèm theo quần áo gửi lên cho tôi ngày ôn thi đại học. Đọc nó, đọc đi đọc lại, không lần nào mà tôi không rơi nước mắt.

Comments